Bắt đầu từ ngày 05/11, cộng đồng tiền điện tử toàn cầu liên tục xôn xao tin đồn Liên minh châu Âu (EU) đang phát hành Eurocoin. Tuy nhiên, đây chỉ là tin đồn. Và cho đến nay, EU vẫn thể hiện thái độ tiêu cực đối với thị trường này. Tuy nhiên, có vẻ như mọi thứ đã trở nên tốt hơn. Bắt đầu từ năm 2020, các ngân hàng tại Đức sẽ được phép bán và lưu trữ Bitcoin, theo luật mới của EU.
Luật mới của EU: Các ngân hàng có thể hoạt động liên quan đến Bitcoin
Trước đây, các tổ chức ngân hàng đều bị cấm cung cấp cryptocurrency hoặc tiếp cận trực tiếp đến các tài sản mã hoá. Song, các quy định mới được sửa đổi vào Chỉ thị Chống rửa tiền số 4 của EU sẽ thay đổi tất cả. Theo đó, dự luật mới đã được Quốc hội Liên bang Đức thông qua và chỉ còn chờ chính quyền 16 bang của Đức đặt bút ký.

Tuy nhiên, dự luật cũng tuyên bố các ngân hàng không được trực tiếp trữ Bitcoin và các loại tiền điện tử khác. Họ phải thông qua các nhà cung cấp dịch vụ bên ngoài để lưu trữ tài sản hoặc mở công ty con chuyên về lĩnh vực ấy.
Giám đốc hãng tư vấn tài chính DLC, Sven Hildebrandt, cho biết:
“Nước Đức đang trên đường trở thành thánh địa cho tiền điện tử. Các nhà lập pháp của Đức đang đóng vai trò là tiên phong trong lĩnh vực quy định về tài sản điện tử.”
Hiệp hội Ngân hàng Đức BdB cũng tỏ thái độ lạc quan trước bộ luật trên:
“Các định chế tín dụng có rất nhiều kinh nghiệm trong việc bảo quản tài sản cho khách hàng cũng như quản lý rủi ro. Đồng thời luôn giữ nguyên cam kết bảo vệ nhà đầu tư và chịu sự kiểm soát của các cơ quan giám sát tài chính. Do vậy, các ngân hàng sẽ có thể kiểm soát vấn đề rửa tiền và tài chính khủng bố thông qua tài sản mã hoá một cách hiệu quả.”
BdB nhận định:
“Dự luật sắp được đưa vào thi hành trên sẽ cho phép người dân Đức trực tiếp đầu tư vào tiền điện tử thông qua các quỹ ở trong nước, thay vì phải chuyển tiền ra nước ngoài như hiện tại.”
Tuy nhiên, không ít chuyên gia đã bày tỏ sự lo ngại về các rủi ro xoay quanh vấn đề bảo vệ người dùng.
Niels Nauhauser, chuyên gia tài chính của bang Baden-Wuerttemberg, cho biết:
“Nếu các ngân hàng được phép bán tiền điện tử và tính phí lưu ký chúng, họ phải đối mặt với rủi ro mất trắng và gây thiệt hại cho khách hàng, những người chưa chắc đã hiểu rõ về thứ mình đang đầu tư.”