Rửa tiền ảnh hưởng nghiêm trọng đến xã hội và nền kinh tế. Rửa tiền bằng bitcoin có thể làm gia tăng tỉ lệ tội phạm và tham nhũng. Làm giảm tính minh bạc và đầu tư nước ngoài. Làm suy yếu các doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, có phải tất cả mọi người đã hiểu đúng về rửa tiền và những vấn đề liên quan? Hãy cùng THUẬN tìm hiểu về khái niệm, dấu hiệu, thủ đoạn, và quy định về rửa tiền.
Rửa tiền là gì?
Rửa tiền là việc chuyển đổi tiền hoặc tài sản có được từ hành vi phạm tội của cá nhân hay tổ chức trở thành hợp pháp nhằm che giấu xuất xứ bất hợp pháp của tiền và tài sản thông qua giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc các hình thức giao dịch khác.
Tiền bẩn (black money) và rửa tiền (money laundering)
Tiền bẩn là tiền có được thông qua các hoạt động bất hợp pháp, bao gồm:
– Các giao dịch trốn thuế chính phủ.
– Các giao dịch ở chợ đen hoặc hoạt động kinh tế ngầm của các quốc gia nhằm trốn tránh các biện pháp trừng phạt kinh tế hoặc của tội phạm. Như buôn bán ma túy, vũ khí, khủng bố, mại dâm, bán hàng giả hoặc hàng ăn cắp, hàng lậu.
– Các hoạt động khác như tham nhũng, nhận hối lộ.
Rửa tiền là hành vi hợp pháp hóa tiền bẩn bằng các giao dịch dịch tài chính, ngân hàng hoặc các hình thức khác.
Đối tượng cần rửa tiền là ai?

Dựa vào nguồn gốc của tiền bẩn, có thể chia đối tượng rửa tiền làm 4 nhóm chính:
– Các cá nhân/tổ chức muốn tránh thuế;
– Những người buôn lậu (ma túy, vũ khí, lao động bất hợp pháp…);
– Một số quốc gia thực hiện các hoạt động kinh tế ngầm;
– Các cá nhân tham nhũng;
Lịch sử rửa tiền
Rửa tiền không phải là một hiện tượng mới. Theo nhiều sử gia, hành vi này đã phát sinh từ thời cổ đại và kéo dài đến ngày nay.
Từ khoảng năm 2000 TCN, các thương nhân Trung Quốc đã biết rửa tiền để che giấu tài sản và trốn thuế của triều đình. Ngoài ra, họ còn chuyển tiền và đầu tư vào các tổ chức khác ở các khu vực xa xôi hoặc thậm chí là ở bên ngoài quốc gia. Nếu bị phát giác, họ có thể bị tịch thu toàn bộ tài sản và bị trục xuất ra khỏi vương quốc.
Trong nhiều thế kỷ tiếp theo, nhiều vua chúa đã ban hành các quy tắc chống rửa tiền bằng cách cho phép tịch thu tài sản của các thần dân. Từ đó dẫn tới sự ra đời của của các hình thức “làm sạch tiền” mới để tránh sự giám sát từ nhà nước. Trong đó có hai hình thức phổ biến là sử dụng ngân hàng song song và các hệ thống chuyển tiền phi chính thức như Hawala.
Vào thế kỷ XX, các quy định về rửa tiền được quy định rõ ràng và thắt chặt hơn. Hình thức tịch thu tài sản tiếp tục trở thành một công cụ đắc lực để phòng chống tội phạm trong đó có rửa tiền. Điển hình là trường hợp tịch thu tiền bẩn từ việc bán lậu rượu tại Hoa Kỳ vào những năm 1930. Đến những năm 1980, một số nước đã đưa ra quy định tiền có thể bị tịch thu. Các cá nhân phải chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số tiền này nếu họ muốn nhận lại. Nguyên nhân chính dẫn đến động thái này là do sự phát triển của các tổ chức và cá nhân điều chế và buôn bán ma túy.
Các đạo luật
Đến thế kỷ XXI, các quốc gia tiếp tục đẩy mạnh các quy định, đạo luật về rửa tiền vì sự phát triển lớn mạnh của hoạt động này đã gây ra nhiều hậu nghiêm trọng về kinh tế – xã hội.
Mở đầu là đạo luật Patriot của Hoa Kỳ. Rồi các bộ luật tương tự của các quốc gia khác quy định chống hoạt động rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố được ra đưa ra sau sự kiện rúng động toàn cầu – 11/9/2001. Cùng thời gian này, các quốc gia khối G7 đã sử dụng công cụ tài chính để gây sức ép lên các quốc gia khác yêu cầu phải tăng cường theo dõi, giám sát các giao dịch tài chính và chia sẻ thông tin với nhau.
Năm 2002, chính phủ các quốc gia trên thế giới tiếp tục thắt chặt hơn các quy định trong luật rửa tiền, đặc biệt là trong các giao dịch tài chính. Từ đó, tỉ lệ việc chấp hành các quy định này của các tổ chức tài chính đã tăng lên đáng kể.
Cũng trong giai đoạn này, nhiều quốc gia bắt đầu kiểm soát chặt và giới hạn lượng tiền mặt mà công dân của họ có thể mang theo ra nước ngoài. Một số nước còn thiết lập các hệ thống điện tử nhằm phục vụ cho mục đích báo cáo giao dịch của các tổ chức tài chính như hệ thống AUSTRAC của Úc. Những nỗ lực này đã giúp các chính phủ lần ra nhiều vụ việc vi phạm các quy định về rửa tiền và tiến hành xử phạt. Như vụ chính phủ Hoa Kỳ xử phạt HSBC 1,9 tỷ USD năm 2012 và BNP Paribas 8,9 tỷ năm 2014.
Cách thức thực hiện rửa tiền

Để rửa tiền, các đối tượng thực hiện theo 3 giai đoạn sau:
Giai đoạn 1: sắp xếp
Đây là giai đoạn cá nhân/tổ chức tìm cách đưa tiền bẩn vào hệ thống tài chính để hợp pháp hóa tiền bẩn. Các đối tượng thường sử dụng một số hình thức như chia nhỏ tiền gửi vào các ngân hàng nhiều lần để lượng tiền mỗi lần giao dịch đủ nhỏ, không phải khai báo; mua hàng xa xỉ đắt tiền; chuyển lậu tiền ra nước ngoài.
Giai đoạn 2: phân tán
Sau khi đưa tiền vào hệ thống tài chính thành công, các đối tượng sẽ tiến hành giao dịch. Như chuyển tiền đến các tài khoản ngân hàng nội địa và quốc tế, đầu tư dự án/chứng khoán, mua bán. Mục đích là nhằm tạo ra các giao dịch phức tạp và khó lần dấu vết.
Giai đoạn 3: quy tụ
Ở giai đoạn này, tiền bẩn đã được “làm sạch” hoàn toàn và trở nên hợp pháp. Các cá nhân/tổ chức có thể sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau.
Những vụ rửa tiền lớn nhất lịch sử
Vụ rửa tiền 220 tỷ USD tại Ngân hàng Danske – Ngân hàng lớn nhất Đan Mạch
Năm 2018, chi nhánh Astonia của Danske Bank đã bị các cơ quan điều tra cáo buộc về hành vi rửa tiền với tổng giá trị lên đến 200 tỷ Euro (khoảng 220 tỷ USD) cho các nguồn tiền từ Estonia, Nga, Latvia, Anh trong giai đoạn 2007 – 2015.
Có 10 cựu nhân viên của chi nhánh Estonia đã bị bắt giữ và chi nhánh này buộc phải đóng cửa vào đầu năm 2019. Danske Bank cũng đang đối mặt với các khoản tiền phạt lên đến hàng tỷ USD. Trong khi đó, quốc hội Đan Mạch đã tiến hành nâng mức phạt tiền đối với tội danh rửa tiền lên 8 lần.
Standard Chartered hỗ trợ Iran rửa 250 tỷ USD
Năm 2012 Ngân hàng Standard Chartered đã bị Cơ quan Dịch vụ tài chính bang New York (DFS) cáo buộc hỗ trợ chính phủ Iran thực hiện 60.000 giao dịch rửa tiền. Tổng giá trị của vụ này là 250 tỷ USD, từ 2001 – 2007. Cũng trong năm 2012, các cơ quan còn phát hiện Standard Chartered đã hỗ trợ các khách hàng tại 4 nước đang bị Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt (Iran, Sudan, Libya và Myanmar). Standard Chartered đã phải nộp phạt với số tiền lên đến 1 tỷ USD cho 2 vụ bê bối này.
Vụ rửa tiền của ngân hàng Wachovia trị giá gần 380 tỷ USD
Năm 2010, Ngân hàng Wachovia (hiện nay đã được sáp nhập vào Ngân hàng Wells Fargo) đã thừa nhận hành vi hỗ trợ rửa tiền. Wachovia đã cho phép các cơ sở đổi tiền tại Mexico chuyển 378,4 tỷ USD không rõ nguồn gốc sang các tài khoản của ngân hàng này trong giai đoạn 2004 – 2007. Theo điều tra của cơ quan chức năng tại Mỹ, số tiền 378,4 tỷ USD có liên quan đến các tổ chức buôn lậu ma túy của Mexico và Colombia. Để trả giá cho hành vi của mình, Wachovia đã chấp nhận nộp phạt 160 triệu USD cùng cam kết nâng cao quy trình chống rửa tiền.
Hậu quả của việc rửa tiền
Rửa tiền ảnh hưởng nghiêm trọng đến xã hội và nền kinh tế. Rửa tiền có thể làm gia tăng tỉ lệ tội phạm và tham nhũng. Làm giảm tính minh bạc và đầu tư nước ngoài. Làm suy yếu các doanh nghiệp tư nhân.
Nếu tiền được rửa thành công thì tội phạm có thể làm gia tăng lợi nhuận từ số tiền này. Và, chúng sẽ cho rằng đây là hành vi khó bị phát giác. Từ đó, chúng sẽ tiếp tục kiếm tiền từ hành vi phạm tội/tham nhũng. Hệ quả là tỉ lệ tội phạm cũng tăng lên.
Đối với những quốc gia đã từng ghi nhận có hoạt động rửa tiền hoặc luật định xử lý hành vi này còn lỏng lẻo, các tổ chức tài chính nước ngoài sẽ dè chừng hơn. Họ có thể sẽ hạn chế, kiểm soát gắt gao. Thậm chí, họ còn ngừng các giao dịch liên quan vì cho rằng đây là các giao dịch với một bên thiếu uy tín và tính minh bạch. Điều đó sẽ lấy đi cơ hội nhận được đầu tư của các doanh nghiệp trong nước.
Rửa tiền còn làm suy yếu các doanh nghiệp tư nhân. Những kẻ rửa tiền có thể thành lập các công ty bình phong để đầu tư. Mua bán sản phẩm nhằm hợp pháp hóa tài sản hoặc số tiền phạm tội. Khi sự việc bị phát giác, những đơn vị tham gia giao dịch với các tổ chức này cũng bị liên đới và ảnh hưởng.
Không dừng lại ở đó, các tổ chức tội phạm còn thâu tóm các doanh nghiệp để kiểm soát hoạt động và phục vụ cho mục đích rửa tiền. Hậu quả là gây nên tình trạng mất cân bằng trong nền kinh tế. Bởi, các doanh nghiệp thực sự hoạt động trong từng ngành nghề bị suy giảm.
Chính sách và luật phòng chống rửa tiền
Tội rửa tiền là gì?
Theo khoản 1 Điều 4 Luật phòng, chống rửa tiền 2012 định nghĩa rửa tiền là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản có được từ phạm pháp. Theo đó, các hành vi phạm pháp là hành vi được quy định trong Bộ luật hình sự; hỗ trợ cho cá nhân, tổ chức hợp pháp hóa tài sản bất chính. Hoặc chiếm hữu tài sản nhằm hợp pháp hóa dù biết nguồn gốc tài sản do phạm tội mà có.
Tội rửa tiền tại Việt Nam bị xử lý như thế nào?
Theo điều 324 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, tùy theo mức độ phạm tội, người phạm tội rửa tiền có thể bị chịu có khung hình phạt như sau:
– Phạt tiền từ 20 – 100 triệu đồng;
– Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1 – 5 năm;
– Tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản;
– Phạt tù 1 – 15 năm.
Với các tổ chức vi phạm, tùy mức độ phạm tội sẽ bị chịu các khung phạt như sau:
– Phạt tiền từ 1 – 20 tỷ đồng;
– Đình chỉ hoạt động có thời hạn 1 – 3 năm;
– Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; hoặc cấm huy động vốn trong 1 – 3 năm;
– Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Tổng kết
Rửa tiền là ảnh hưởng nghiêm trọng đến xã hội và nền kinh tế. Rửa tiền có thể làm gia tăng tỉ lệ tội phạm và tham nhũng. Do đó, các quốc gia luôn nỗ lực thắt chặt quản lý và xử phạt hành vi vi phạm này.
Bitcoin – một đồng tiền ẩn danh, đang được xem là công cụ hoàn hảo của tội phạm rửa tiền. Vậy Bitcoin và tiền mã hoá đã được sử dụng như thế nào? Điều gì khiến các cơ quan nghi ngại về cryptocurrency? Các quốc gia đang và sẽ làm gì để Bitcoin không bị sử dụng sai mục đích? Hãy đón chờ những bài viết tiếp theo của thuận nhé!